
Danh tướng Cao Thắng: Nhà chỉ huy quân sự tài ba, nhà sáng chế vũ khí thông minh
2/3/15
Tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có di tích nhà thờ Cao Thắng nằm trên một ngọn đồi nhỏ là di tích cấp Quốc gia, nơi lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quí giá về người hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo ở cuối thế kỷ 19.
Danh tướng Cao Thắng sinh năm Giáp Tý (1864) tại xóm Nhà Nàng, thôn Yên Đức, xã Tuần Lễ, tổng An ấp, nay là xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà tĩnh. Thuở nhỏ Cao Thắng bị thất học nhưng rất thích cung kiếm, võ nghệ. Lên 10 tuổi Cao Thắng đã chứng kiến cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai và các sĩ phu yêu nước đứng lên chống lại triều đình và cậu bé thông minh gan dạ đó đã hăng hái gia nhập nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Cao Thắng được cụ Phan Đình Thuật, anh ruột Phan Đình Phùng đem về nuôi nấng, dạy dỗ. Năm 1881 cụ Thuật mất, Cao Thắng trở về Tuần Lễ làm ruộng. Hơn hai năm sau (1884) một cường hào là Quản Loan nhân lúc vợ chết đột ngột đã vu cáo cho Cao Thắng giết hại để cướp ruộng đất của họ Cao và ông bị bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Tháng 11-1885 ông được nghĩa quân Ấn Ninh cứu thoát. Trở về Tuần lễ, ông cùng em ruột là Cao Nựu và một số bạn thân trong đó có Nguyễn Đình Kiểu chiêu mộ dân nghèo đứng lên khởi nghĩa và gia nhập nghĩa quân của Phan Đình Phùng vào năm 1886. Chủ tướng Phan Đình Phùng đã nhanh chóng trọng dụng Cao Thắng và giao cho ông chức quân cơ phụ trách việc tổ chức nghĩa quân, sau đó giao quyền chỉ huy cho ông xây dựng lực lượng và căn cứ chống Pháp. Cao Thắng đem quân xây dựng căn cứ mới ở Cồn Chùa (nay thuộc xã Sơn Lâm, Sơn Giang huyện Hương Sơn), từ đây ông cho lập hệ thống đồn lũy ở Cửa Vua, cồn Trại Đồn, hố Đập Bằng, Cửa Cống… Được nhân dân khắp vùng hưởng ứng và che chở, ông gấp rút cho mở rộng căn cứ lên vùng Thượng Bồng, Hạ Bồng (nay thuộc xã Đức Lĩnh, Đức Bồng và vùng Hói Tùng, Hói Trí, Ngàn Trươi huyện Vũ Quang), đây là vùng đồi núi hiểm trở nằm sát biên giới Việt - Lào được coi là vùng “ tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” vừa có điều kiện mở rộng địa bàn về vùng đồng bằng và phát triển sang các vùng Quảng Bình hoặc Nghệ An vừa có thể rút lui đảm bảo an toàn cho nghĩa quân và là vùng nằm giữa lòng dân được nhân dân che chở, bảo vệ. Mặt khác, khu căn cứ này chỉ có một đường “độc đạo” đi vào nên kẻ địch rất khó tìm. Với tầm nhìn chiến lược của Cao Thắng nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh ác liệt và giành thắng lợi to lớn làm cho kẻ địch khiếp sợ. Căn cứ này đã duy trì và tồn tại được 10 năm.
Nhà thờ Danh tướng Cao Thắng
Danh tướng Cao Thắng không những là nhà tổ chức, nhà chỉ huy quân sự mưu lược, tài ba, ông còn là nhà nghiên cứu, cải tiến và sáng chế vũ khí thông minh, nhà “kỷ sư quân giới xuất sắc của dân tộc trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ 19”. Trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê lúc đầu nghĩa quân rất thiếu súng đạn, vũ khí, quân ta chỉ có súng kíp một loại súng thô sơ, sức công phá kém lại không thuận lợi trong lúc sử dụng. Cao Thắng ngày đêm mong lấy được một khẩu súng của thực dân Pháp để nghiên cứu và tìm cách sáng chế. Trong một trận đánh, nghĩa quân đã thu được súng của địch, ông đã ngày đêm nghiên cứu tìm ra quy luật. Trải qua bao lần thử nghiệm thất bại nhưng ông không nản chí, ngược lại càng làm ông quyết tâm thêm cuối cùng ông đã thành công trong việc chế tạo súng. Dưới sự chỉ đạo của ông cùng với các cộng sự, hàng trăm khẩu súng tự chế đã ra đời, nhiều xưởng đúc vũ khí làm việc không nghỉ để có nhiều vũ khí cung cấp cho nghĩa quân đánh giặc. Trước thành tựu quan trọng này, kẻ địch vô cùng thán phục như lời của Đại úy Gô-Xơ-Lanh, người trực tiếp tham gia chống lại cuộc khởi nghĩa Hương Khê nói “Không riêng gì các sĩ quan pháo binh Pháp mà cả các kỷ sư châu âu cũng phải kinh ngạc”.
Khuôn viên nhà thờ Cao Thắng
Năm 1889 khi nghĩa quân đã mạnh về mọi mặt và phong trào chống Pháp đã phát triển mạnh mẽ, Cao Thắng đã quyết định mời cụ Phan Đình Phùng về làm thủ lĩnh và chỉ huy cuộc khởi nghĩa, Cao Thắng được phong chức Chưởng vệ tổng chỉ huy quân sĩ. Trong năm 1890-1891 nghĩa quân liên tiếp tấn công các đồn binh Pháp ở Tràng Lưu, Nầm, Linh Cảm, Nam Huân, phục kích diệt viện ở Trung Lễ bẻ gãy các cuộc càn lớn của Pháp và tay sai hòng tấn công và bóp chết cuộc khởi nghĩa ở khu căn cứ. Ngày 23 tháng 8 năm 1893 tướng Cao Thắng cùng với Nguyễn Huy Thuận tổ chức quân sĩ mở cuộc tập kích lớn vào sào huyệt của địch tại tỉnh lỵ Hà Tĩnh và lập công xuất sắc. Sau những chiến thắng liên tiếp, Cao Thắng và Phan Đình Phùng quyết định tiến quân ra Nghệ An do tướng Cao Thắng chỉ huy nhằm mở rộng địa bàn của cuộc khởi nghĩa. Trong trận tập kích Đồn Nu (xã Thanh Xuân, huyện Thanh chương, tỉnh Nghệ An) Cao Thắng bị thương nặng được nghĩa quân đem về sơn trại cứu chữa. Do vết thương quá nặng vị chỉ huy của nghĩa quân đã hy sinh tại khu căn cứ vào ngày 21/11/1893 (tức ngày 14/10 năm Quý Tỵ) lúc ông mới 29 tuổi. Sự hy sinh của ông là một tổn thất to lớn đối với cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng.
Nhà Từ đường Danh tướng Cao Thắng
Di tích lịch sử nhà thờ Cao Thắng là chứng tích lịch sử, là tình cảm của nhân dân và con cháu trong dòng tộc tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương đã hiến trọn cuộc đời vì sự nghiệp cao cả của dân tộc. Thân thế và sự nghiệp của ông mãi mãi chói ngời trong trang sử anh hùng của dân tộc mà muôn đời các thế hệ mai sau thán phục, ngưỡng mộ.
Lê Nhật Tân
Bài liên quan
- Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
- Nước Sốt Sơn Kim - Du lịch sinh thái miền sơn cước
- Đường số 8 quê tôi
- HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ: BÁNH ĐÚC
- Mật mía Văn Giang và kẹo lạc chợ Gôi
- Hương Sơn một vùng văn hóa
- Kẹo Cu Đơ Hương Sơn
- Dê núi Hương Sơn
- Ghi đậm dấu ấn về tình bạn giúp nhau trong học tập của vùng đất học xứ Nghệ.
- Nguyễn Tuấn Thiện dũng tướng công thần bị lãng quên khởi nghĩa Lam Sơn chính sử
- Nguyễn Tuấn Thiện dũng tướng công thần nghĩa Lam Sơn
- Hồ sông Quao - vẻ đẹp đại ngàn ở Phan Thiết
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét