Đường số 8 quê tôi
23/11/15
Đường số 8 (Hà Tĩnh) khởi đầu từ ngã ba Bãi Vọt nay là thị xã Hồng Lĩnh nằm trên quốc lộ I (xuyên Việt) đi qua huyện Đức Thọ vượt dòng sông La nơi ngã ba Tam Soa rồi thẳng một mạch đến cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nối với đất nước Triệu Voi dài khoảng 85km.
Mười hai năm trước ( năm 1999), Bộ Giao thông vận tải chủ trương hàng năm chọn ra một quốc lộ hay tỉnh lộ đẹp nhất để tôn vinh “Con đường đẹp nhất Việt Nam”. Đây là việc làm có ý nghĩa và chính thời điểm này, đường số 8 - con đường đầu tiên có vinh dự đăng quang là con đường đẹp nhất nước Việt.
Nếu người viết không nhầm, sau đó là con đường chạy dọc bờ biển Bãi Trước của Thành phố Vũng Tàu - nơi phương Nam tràn trề dầu khí, kế đó con đường mang tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở quận Đống Đa (Hà Nội) lần lượt được tôn vinh bởi chính vẻ đẹp của mình. Rằm tháng Bảy năm Con Rồng - 2012 vừa qua, nhân mùa Vu lan tôi có dịp đi dọc đường 8 bằng xe con chỉ mấy km thôi đã có thể chứng kiến không biết bao nhiêu là ổ gà, ổ trâu trên chính con đường “hoa hậu” năm nào - đoạn sát thị trấn Phố Châu, điểm giao cắt đường xuyên Việt mang tên Hồ Chí Minh. Dân chúng ai cũng phàn nàn đường sá quá tệ. Trong khi hai con đường đẹp nhất kể trên nay vẫn còn đẹp, nếu không nói càng ngày càng đẹp, chẳng hạn như đường Nguyễn Chí Thanh nằm trong lòng Thủ đô.
Từ thuở học trò tôi đã thấy đường 8 và sông Ngàn Phố (Hương Sơn) như thể dắt tay nhau đi xuyên đất trung du tựa dải lụa hồng vắt lên chiều dọc huyện nhà từ chân núi Hồng Lĩnh lên mạn Cầu Treo, bên này Đông Trường Sơn của Hà Tĩnh, bên kia Tây Trường Sơn của tỉnh Bô- li kham- xay nước Lào anh em vốn từng chia ngọt sẻ bùi lúc đắng cay. Thời xa xưa, năm 1404 nhà Minh xâm lược nước ta cũng chính là lúc Lê Lợi phất cao cờ nghĩa chống kẻ thù đến từ phương Bắc. Thời điểm này Lê Lợi kết nghĩa với Ai Lao dưới triều Vua Khăm Đèng để đôi bên cùng giữ yên bờ cõi thiêng liêng. Chưa hết, sách “Quốc gia Ai Lao” của G.Coedes, tác giả người Pháp cho biết ở thế kỷ XV Vua Lào S.Vongsa ký Hiệp định biên giới với Việt Nam và cầu hôn con gái Hoàng đế Lê Thần Tôn làm vợ. Thời Đổi mới, Việt Nam và Lào là đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện… Vậy là tình nghĩa Việt- Lào vốn nảy sinh từ xa xưa được giữ gìn, bồi đắp qua năm tháng thử thách và biến cố thăng trầm, nhưng đẹp nhất, sáng nhất tựa trăng rằm phải nói là trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Đoạn đường 8A qua xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn đã được nâng cấp, sửa chữa
Từ ngả ba Linh Cảm ngược Cầu Treo có nhiểu điểm được coi là nơi hội tụ của văn hóa, giao thương, ẩm thực, chiến đấu và chiến thắng… Hòa trong hơi thở của sông của núi là những câu hò ví dặm của thanh thiếu nữ vùng sông nước nghe hớp hồn vẫn thường vang lên trên nhiều khúc sông vào những đêm trăng sáng hò hẹn thuyền xuôi về ngược. Điểm đầu là xã Sơn Tân, xưa gọi là Xa Lang nằm mé phải sông Ngàn Phố, mé trái là dãy Thiên Nhẫn với 999 ngọn núi soi bóng sông Ngàn tựa tranh thủy mạc, in bóng cả thành Lục Niên đại bản doanh của Lê Lợi khi tiến quân từ xứ Thanh vào. Nơi đây là một trong những điểm “hồn thiêng sông núi” bởi vua Lê, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn… đã từng in dấu chân mình.
Đi dọc ven sông, Sơn Tân, Thịnh Văn, Gôi Mỹ…cũng là đất học, vùng quê có cụ Nguyễn Khắc Niêm đỗ Hoàng Giáp từ năm 19 tuổi, con trai là nhà văn hóa - bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nổi tiếng và nhiều người có tiếng tăm cả thời trước lẫn thời nay. Quá Gôi, Choi là Phúc, An, Ninh và bến Nầm nặng tình non nước. Câu ca “Nhất giàu là vạn Đỗ Gia, thứ hai Vạn Phố, thứ ba vạn Nầm” chính là nơi đây. Năm 1425, Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn, Cốc Sơn đánh một trận để đời tại Khuất Giang. Từ vực Trụn nhìn qua phía trái là nơi yên nghỉ ngàn đời của người anh hùng nông dân quê tôi - Nguyễn Tuấn Thiện dân làng Phúc Đậu - Tư lệnh Nghĩa quân Cốc Sơn, nghĩa quân núi Hoa Bảy nổi danh một thời trước phong trào Cần Vương (1885 - 1896) của Phan Đình Phùng và Cao Thắng vốn cách đó không xa. Mấy chục năm trước, thời kháng chiến trường kỳ, vùng Nầm, bến đò Nầm, cầu Nầm, rú Nầm… trên bến dưới thuyền, đường nhựa phẳng lỳ cho ô tô xuôi ngược, còn tiếng hát đò đưa, ví dặm trên những con thuyền đứng đợi hay thuyền chất đầy chè xanh xuôi về Choi, Gôi, chợ Bè, Vinh… đẹp và thơ mộng nhưng dung dị tựa người thiếu nữ đất trung du. Ai đó nói , “Hà Tĩnh gạo trắng nước trong/ Ai về Hà Tĩnh thong dong con người” chính là chỗ đó .
Người viết bài này đã từng ngụp lặn nơi đây, đã đi nhiều nơi của bốn phương trời và dĩ nhiên mang trong “bộ nhớ” của mình vẻ đẹp trữ tình, nguyên sơ của vùng sông nước, núi đồi Nầm. Những năm gần đây khi về lại với Nầm mong tìm lại vẻ đẹp nơi này của năm nào, nhưng tất cả chỉ còn lại trong hoài niệm và sự thở ra của nuối tiếc cái đẹp chân chất về một thời chưa xa.
Qua Trị, Kẻ Mõ… là thị trấn Phố Châu trên bến dưới thuyền, thuyền đi ngược về xuôi, thuyền lên Sơn Tây, Sơn Hồng, thuyền về mạn xuôi để ra Vinh, Bến Thủy… Bên kia sông là làng Bầu Thượng, nay là xã Sơn Giang nơi Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông từ đất Mỹ Hào - Hưng Yên của xứ “Nhất Kinh Kỳ nhì Phố Hiến ” vào quê mẹ để cống hiến cho đời cả ngàn bài thuốc cứu người. Nơi đó, nay có Bảo tàng tôn vinh tấm lòng Chân - Thiện - Mỹ của người thầy thuốc có một chưa hai trong thế giới thuốc Nam của nước Việt mình. Đi dọc đường Hồ Chí Minh, dù trong ra hay ngoài vào khi cách thị trấn Phố Châu không xa mấy, ta gặp một khu nhà tưởng niệm Hải thượng Lãn Ông đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng, cho ta sự thanh thản bởi vẻ đẹp của khu Bảo tàng vị Hải Thượng, bởi sự trở về nguồn cội, bởi sự trân trọng quá khứ với nền văn hóa đã được chắt lọc để lưu truyền.
Sĩ quan đối ngoại Quân chủng Phòng Không- Không Quân, ông Trần Văn Tuyên, hàng xóm, đồng hương của gia đình tôi ở Hà Nội là dân xã Sơn Trung, nhà ở rất gần khu Bảo tàng Hải Thượng thường kể về mảnh đất đáng nhớ này với những chuyện xưa, chuyện nay, chuyện cả làng “góp gạo thổi cơm chung” để khôi phục lại chùa, đền đài, thảm cây xanh sinh thái… khiến tôi phục lăn. Không chỉ ở công trình kiến trúc miếu mạo mà là cái tâm, cái đức, cái tình để trở về nguồn cội một cách bài bản, công phu của cái làng này, xã này. Lắm lúc khi ở quê ra, ông Trần Văn Tuyên kể chuyện người nhà ở Sơn Trung vừa bẫy được thú rừng vốn không khó khăn lắm, bởi môi trường sinh thái ở đây khi tôi đi qua thoáng nhìn đã có thể coi là lý tưởng.Ta không “khen” việc bẫy thú rừng vì làm hại môi trường sống, nhưng qua đó ta biết được nơi đây là vùng sinh thái đáng khen trong bối cảnh không ít các rừng trong Nam ngoài Bắc ngày càng suy thoái đến báo động.
Vợ chồng ông Tuyên, bà Hợi và con trai là thạc sĩ Trần Phúc được coi là dân góc Hương Sơn rất mê ẩm thực quê nhà. Trong đó phải kể đến món nhút Sơn Trung, làm bằng xơ mít mật, lọc kỹ, rửa kỹ rồi muối ăn xổi khi chấm với nước tương gạo nếp lên men cũng góc quê nhà. Chợ Hà Nội có nhiều mít chín vung quê Sơn Tây, Phú Thọ chuyển về bán, nhưng ông bà Tuyên “kỹ” đến mức gửi tiền mua mít mật từ Hương Sơn ra. Âu đó cũng là cách tôn vinh, bảo trì nghệ thuật ẩm thực. Thi thoảng, ông bà Tuyên đưa sang gia đình tôi đĩa nhút, thế là cả nhà chén sạch, ngon hơn cả khi ta nói “ có cá đổ vạ cho cơm ”.
Qua đền thờ Cụ Hải Thượng là đến xã Sơn Giang, Sơn Quang, ngày trước là làng Quát, nằm sát mé sông Ngàn Phố, sau vì bên lở bên bồi nên gần như tất cả các gia đình thuộc họ Nguyễn Như của Tổ tiên gia đình tôi đều di dời vào phía trong núi để lập nghiệp (Sơn Quang và Sơn Lâm) Vợ chồng em ruột tôi là Nguyễn Thế Gia và các cháu cùng các chú họ của tôi ở đó đã đến mấy đời. Nhưng dịp Tết, giỗ họ đến ngày lễ mọi người từ Sơn Quang, Sơn Lâm.… vẫn không quên, cất công về với anh em, họ hàng. Hậu duệ họ tôi, ông Nguyễn Duy Trinh làm Chủ tịch huyện Hương Sơn là một trong những người như thế.
Đi quá chùa Hầm Hầm và Quát là đến với địa danh Nước Sốt (nước nóng tự nhiên ngót nghét 80 độ C) nay là nhà máy nước khoáng, còn dưới sông nghe nói có cả thủy quái, thi thoảng nó vẫn nổi lên mà chưa hề thấy nơi thế giới trần gian. Người cháu của gia đình là chị Nguyễn Thị Hoa, người xã Sơn Tây, chồng chết sớm, con trai đầu ra đi khi mới 20 tuổi, cả nhà tàn tích tích góp chút tiền mua đất vườn của nhà bên cạnh để thêm điều kiện canh tác mưu sinh trong cảnh góa bụa, đơn côi. Nhưng không ngờ người khác nhảy vào lấn chiếm. Đau lòng “cuốc gọi hè” chị Hoa làm đơn kêu cứu. Nhưng đều vô vọng trong khi tài sản hợp pháp của gia đình bị chiếm đoạt vô lý, bởi có người chà đạp pháp luật hiện hành đến đau lòng hơn cả “cuốc gọi hè”.
Điểm tận cùng của đường số 8 chính là cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Đây là một trong những vùng đất nơi biên giới, thể hiện rõ kết quả của đường lối Đổi mới và hội nhập cộng đồng kinh tế quốc tế do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Theo quyết định của Chính phủ 39.000 ha đất từ thị trấn Sơn Tây qua xã Sơn Kim tới sát biên giới Việt - Lào là địa phận quản lý của cửa khẩủ Cầu Treo. Khu kinh tế mở này mỗi năm đem lại cho Hà Tĩnh một khoản ngân sách không hề nhỏ. Xuần mới về đi giữa núi ngàn Hương Sơn, Cầu Treo được chứng kiến đất và người thời Đổi mới bỗng nhớ câu thơ của Tố Hữu “ Xuân bước nhẹ trên nhành non lá mới/ Bạn đời ơi vui chút với trời hồng”.
Tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh bộ đội Trường Sơn cho biết: Đây chính là thời kỳ chúng ta hoàn toàn chủ động tận dụng hạ tầng của đường 8 để vận chuyển nhân tài vật lực bằng cơ giới từ hậu phương ra tiền tuyến thời kháng Mỹ. Theo nhu cầu của chiến trường, vào mùa cao điểm số lượng súng đạn, lương thực, quân trang, hàng hóa …vận chuyển qua đây lên đến hơn một vạn tấn với một binh trạm biên chế đến hơn 2.000 người có đầy đủ các đơn vị thiện chiến công binh, bộ binh, pháo cao xạ … trực chiến 24/24 h.
Trước và sát Tết Mậu Thân (1968), kẻ thù rắp tâm đánh phá ác liệt cung đường lửa này, nhưng bộ đội ta anh dũng bắn rơi 7 máy bay phản lực các loại của giặc Mỹ, bảo toàn cho xe và người đêm ngày ra tiền tuyến.
Vậy là, đường 8 đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình cả trong chiến tranh, trong hòa bình cũng như trong hội nhập.
Đường số 8 huyền thoại trong tương lai không xa là tuyến đường làm ăn, phát triển kinh tế toàn diện của cộng đồng ASEAN. Là con đường ra biển Đông của nước Lào anh em. Tất cả hứa hẹn một chân trời mới đẹp, bền vững tựa dãy Trường Sơn.
Nguyễn Xuân Lương
Bài liên quan
- Dọc mùng Hà Tĩnh Mình ơi
- Khoai xéo tuổi thơ tôi!
- Tro kè-Hà Tĩnh hương vị lạ đại ngàn
- Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
- Nước Sốt Sơn Kim - Du lịch sinh thái miền sơn cước
- HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ: BÁNH ĐÚC
- Mật mía Văn Giang và kẹo lạc chợ Gôi
- Hương Sơn một vùng văn hóa
- Kẹo Cu Đơ Hương Sơn
- Dê núi Hương Sơn
- Ghi đậm dấu ấn về tình bạn giúp nhau trong học tập của vùng đất học xứ Nghệ.
- Danh tướng Cao Thắng: Nhà chỉ huy quân sự tài ba, nhà sáng chế vũ khí thông minh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét